Các môn thể thao Tranh cãi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021

Nhầm quốc kỳ Malaysia

Ở buổi thi diễn ra ngày 8 tháng 5 của môn nhảy cầu, màn hình lớn của nhà thi đấu tổ chức bộ môn này đã hiển thị sai quốc kỳ Malaysia. Cụ thể, quốc kỳ của Malaysia có biểu tượng ngôi sao 14 cánh nhưng trên quốc kỳ được chiếu trên màn hình, ngôi sao chỉ có 5 cánh. Ban tổ chức đại hội và truyền thông Việt Nam đã không có bất cứ phản ánh hay bình luận gì về sự cố này.[32]

Không cử hành quốc ca trước trận bóng đá nam U-23 Việt Nam – U-23 Philippines

Trong trận đấu vòng bảng môn bóng đá nam giữa đội tuyển U-23 Việt Nam và U-23 Philippines trên sân vận động Việt Trì (Phú Thọ), khi tổ trọng tài điều khiển trận đấu và hai đội bóng đang bước ra sân để tiến hành các nghi thức trước trận thì hệ thống âm thanh trên sân Việt Trì đã đột ngột tắt, dẫn đến việc không thể thực hiện nghi thức hát quốc ca của hai đội tuyển theo kế hoạch. Sau vài phút tìm cách khắc phục nhưng không được, ban tổ chức đã bỏ qua các nghi thức này để trận đấu được diễn ra đúng như đã lên lịch.[33] Nguyên nhân sau đó đã được ban tổ chức công bố là do "thời tiết diễn biến xấu, có sự xung đột giữa các thiết bị điện tử, ảnh hưởng đến việc truyền tải âm thanh” và do “sự phối hợp giữa bộ phận âm thanh và bộ phận giám sát, điều khiển trận đấu chưa nhịp nhàng, chặt chẽ”.[34] Sự cố này đã khiến cho dư luận phản ứng gay gắt bởi việt hát quốc ca trước trận đấu được coi là một nghi thức quan trọng, trang nghiêm và bắt buộc phải có, đặc biệt ở một sự kiện thể thao lớn của Đông Nam Á như SEA Games.[34] Trước đó, trong trận đội chủ nhà gặp U-23 Indonesia cũng trên sân Việt Trì, ban tổ chức sân cũng bị phản ứng khi tiến hành cử quốc ca Indonesia trong lúc hai đội đang bắt tay nhau trước trận đấu.[32]

Cổ động viên ném giấy cổ vũ gây mất vệ sinh

Cũng ở trận đấu giữa U-23 Việt Nam và U-23 Philippines đã đề cập ở trên, các cổ động viên trên sân Việt Trì đã thực hiện màn ném giấy để cổ vũ cho đội nhà. Theo đó, hội cổ động viên này đã mua hàng ngàn cuộn giấy vệ sinh rồi phát cho khán giả quanh khu vực của mình; trước khi trận đấu bắt đầu, các khán giả đồng loạt ném các cuộn giấy xuống sân nhằm tạo ra hiệu ứng đẹp trên khán đài. Tuy nhiên, việc trời đổ mưa khiến giấy sau khi ném thấm vào khán đài cũng như đường chạy quanh sân, tạo nên cảnh tượng mất mỹ quan và gây khó khăn cho công tác dọn dẹp vệ sinh sau trận đấu.[32][35]

Hành động này đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong cộng đồng người hâm mộ. Phía hội cổ động viên cho rằng đây là hình thức cổ vũ phổ biến ở nước ngoài[36] và muốn du nhập nó vào Việt Nam, trong khi số còn lại phản đối mạnh mẽ và coi đây là hành vi cổ vũ "thiếu văn minh, gây lãng phí".[37][32] Sau cùng, ban tổ chức địa phương quyết định các cổ động viên sẽ không được phép cổ vũ bằng hình thức tung giấy vệ sinh ở các trận đấu tiếp sau.[38]

Singapore và Malaysia bị tước huy chương vì "nhảy quá sớm"

Trong phần thi bơi tiếp sức 4x100m tự do nam, cả Singapore và Malaysia đều đã phạm quy sau khi hai đội lần lượt giành huy chương vàng và huy chương bạc, gián tiếp giúp chủ nhà Việt Nam từ huy chương đồng được nhận huy chương vàng. Các quan chức Việt Nam cho rằng đó là do "kỹ thuật", trước khi khẳng định rằng các vận động viên bơi lội của cả hai nước đã "nhảy quá sớm". Các nguồn tin ban đầu từ Singapore lẫn Việt Nam đều cho rằng Joseph Schooling đã mắc lỗi khiến đội nhà mất huy chương vàng.[39][40][41][42][43] Sau đó vào ngày 17 tháng 5, ban tổ chức kết luận người mắc lỗi không phải là Joseph Schooling mà là Jonathan Tan, khi anh bơi thứ 3 trong đội Singapore. Theo đó, Tan đã xuất phát sớm 0,05 giây, tức là hai chân anh rời khỏi bục xuất phát 0,05 giây trước khi đồng đội Quah Zheng Wen chạm vào thành bể để kích hoạt hệ thống cảm ứng. Theo quy định trong bơi lội, kình ngư không bị truất quyền thi đấu nếu xuất phát sớm không quá 0,03 giây. Điều đó có nghĩa Tan vẫn phạm quy dù chỉ sớm 0,02 giây, do đó Singapore bị hủy kết quả thi. Tương tự với đội tuyển Malaysia, người mắc lỗi Singh Chahal đã xuất phát sớm 0,12 giây, hơn 0,09 giây so với quy định.[44]

Vận động viên Việt Nam bị chỉ trích vì không giúp đỡ đồng đội

Tại nội dung chung kết 800m nữ, vận động viên Kaur Jogind của Malaysia đã có pha va chạm vào vận động viên Đinh Thị Bích của Việt Nam, khiến Bích bị ngã và gặp phài chấn thương nặng, còn Kaur sau đó đã vượt lên và giành được huy chương đồng. Tổng trọng tài điền kinh Nguyễn Trung Hinh cho biết: sau khi xem lại băng ghi hình kỹ thuật, tổ trọng tài nhận định tác động của vận động viên Malaysia là "không cố ý phạm lỗi", do đó thành tích của đối thủ vẫn được công nhận.[45] Tuy nhiên, tâm điểm của chỉ trích đã hướng về phía Khuất Phương Anh - người giành được huy chương vàng ở nội dung kể trên. Một số người hâm mộ Việt Nam đã bày tỏ sự thất vọng với nữ vận động viên này, cho rằng cô đã quá mải mê ăn mừng chiến thắng của bản thân mà không chủ động nâng đỡ và an ủi người đồng đội đã bị ngã ngay sau khi về đích[46], thậm chí còn so sánh cô với Goh Chui Ling, vân động viên người Singapore đã có hành động đẹp với Đinh Thị Bích.[47] Ngược lại, các ý kiến bênh vực cho rằng khi Phương Anh về đích, cô đã ở cách khá xa vị trí mà Đinh Thị Bích đã ngã, do đó có thể cô đã không hay biết gì về sự cố của người đồng đội.[48] Mặc dù thực tế trên sân, Phương Anh đã chạy đến và thăm hỏi đồng đội đang bị thương sau một lúc ăn mừng[49], song hành động này cũng bị đánh giá là "quá muộn".[48]

Indonesia mất 2 huy chương vàng pencak silat

Các võ sĩ pencak silat của Indonesia đã để mất hai huy chương vàng tưởng như đã trong tầm tay do phạm lỗi nguy hiểm và bị trừ điểm. Sự cố đầu tiên nằm ở trận chung kết hạng 50-55 kg nam giữa võ sĩ Khoirudin Mustakim của Indonesia và Muhammad Khairi Adib Bin Azhar của Malaysia. Sau lần phạt đầu tiên vì phạm lỗi, Khoirudin tiếp tục có pha ra đòn mạnh vào mặt khiến Azhar ngã xuống sàn đấu. Anh bị trừ 10 điểm vì lỗi này, giúp cho đối thủ vượt lên dẫn điểm 49-50. Do quá bức xúc với quyết định của trọng tài, huấn luyện viên của Indonesia đã lời qua tiếng lại với các trọng tài và suýt xảy ra xô xát với giám sát trọng tài.[50] Tiếp đó, ở trận đấu hạng 55-60 kg nam, võ sĩ Muhamad Yachser Arafa (Indonesia) cũng liên tục ra đòn nguy hiểm và bị trừ điểm, trong đó nặng nhất là cú đòn trúng phần mặt làm võ sĩ Muhammad Hazim Bin Mohamad Yusli (Singapore) chảy máu. Ngay sau đó, võ sĩ Indonesia bị truất quyền thi đấu và huy chương vàng được trao cho võ sĩ của Singapore.[51]

Vận động viên bắn súng bị tính nhầm điểm

Ở chung kết 25m súng ngắn nhanh nam diễn ra ngày 16 tháng 5, xạ thủ Hà Minh Thành (Việt Nam) đã gặp phải sự cố khi hệ thống tính điểm hiển thị nhầm điểm của anh. Theo đó, sau lượt bắn đầu tiên, bảng điểm hiển thị Minh Thành có 2 điểm nhưng kết quả lại thông báo anh không giành được điểm nào. Sự cố khiến buổi thi bị gián đoạn gần 30 phút trước khi ban tổ chức quyết định thay bia và cho tất cả vận động viên bắn lại từ đầu. Dù bị ảnh hưởng tâm lý bởi sự cố, Minh Thành vẫn giành chiến thắng chung cuộc và mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho bắn súng Việt Nam tại SEA Games 31.[52]

Vận động viên Việt Nam đi sai giày

Nữ vận động viên chạy cự ly 10.000 m Lò Thị Thanh bị ban tổ chức tước huy chương vì lỗi đi giày không đúng quy định. Theo đó, đại diện Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết Lò Thị Thanh đã đi loại giày có hỗ trợ thành tích, vì vậy, kết quả phần thi chung kết 10.000 m của cô không được tính. Ở phần thi chung kết chiều tối 18 tháng 5 trên sân Mỹ Đình, Thanh kết thúc ở vị trí thứ 2 với thời gian 36 phút 32 giây, sau đồng đội Phạm Thị Hồng Lệ. Tuy nhiên sau đó, thành viên đoàn Singapore đã kiện và tổng trọng tài điền kinh quyết định hủy kết quả của Thanh. Qua kiểm tra trước khi thi đấu, giày của Thanh được phát hiện là không phù hợp và cô đã đổi sang một đôi khác, nhưng đôi giày cô đã sử dụng lại được cho là trợ lực, không được phép chạy ở trong đường chạy sân vận động. Với việc Thanh bị tước kết quả, Khin Mar Se của Myanmar được lên nhận huy chương bạc, còn Goh Chui Ling của Singapore từ vị trí thứ 4 lên hạng 3 để nhận huy chương đồng.[53]

Vận động viên Campuchia bị loại vì thừa cân

Trong buổi kiểm tra cân nặng cho hạng cân 48kg môn nhu thuật, đương kim vô địch & huy chương vàng Á vận hội 2018 Jessa Khan đã bị loại do vượt quá giới hạn quy định 240g.[54] Theo quy định của Liên đoàn Nhu thuật quốc tế và Sách kỹ thuật SEA Games, cô không được phép thi đấu ở nội dung này. Ủy ban Olympic Quốc gia Campuchia đã đệ đơn kháng cáo yêu cầu ban tổ chức cho phép cô thi đấu ở hạng cân cao hơn 62kg, nhưng yêu cầu này đã bị từ chối.[55]

Võ sĩ Việt Nam bị xử thua vì chấn thương

Võ sĩ Trương Đình Hoàng đã bị xử thua ở trận bán kết boxing hạng 75-81kg trước đối thủ Maikhel Roberrd Muskita (Indonesia) sau chưa đầy 6 phút. Anh dính đòn khiến mặt chảy khá nhiều máu, làm trận đấu phải tạm hoãn để các bác sĩ chăm sóc y tế. Quan sát diễn biến trận đấu, đối thủ người Indonesia đánh xấu không xử lý đúng cách khiến Hoàng phải nhận thua không thuyết phục. Kết thúc màn so tài, trọng tài giơ cao tay công nhận chiến thắng 5-0 của võ sĩ Indonesia, theo hình thức RSC (Referee Stop the Contest – Doctor Stoppage).[56][57]

Cử nhầm quốc ca Thái Lan thay Singapore

Tại lễ trao huy chương nội dung đôi nam nữ của môn bóng bàn tối ngày 20 tháng 5, mặc dù đôi nam nữ Singapore đã giành huy chương vàng nhưng ban tổ chức lại phát quốc ca của Thái Lan thay vì Singapore. Ngay sau đó, ban tổ chức đã phải tiến hành lại nghi thức cử quốc ca và nghi thức kéo cờ cho Singapore.[58]

Huấn luyện viên Thái Lan phản ứng khi không được nhận huy chương bạc

Tại lễ trao giải sau trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31, huấn luyện viên Alexandré Polking cùng trợ lý Pena Viegas Luis Filipe của U-23 Thái Lan đã lớn tiếng rằng ban tổ chức đưa thiếu huy chương bạc cho đội bóng này. Trợ lý huấn luyện viên của Thái Lan thậm chí còn tỏ ra bức xúc với một nhân viên truyền thông của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, cho rằng ban tổ chức làm việc "thiếu chuyên nghiệp" dù đã được giải thích rằng họ đã trao đầy đủ và việc thiếu huy chương là do Thái Lan mang quá số người quy định. Theo điều lệ giải, mỗi đội được trao 28 tấm huy chương (giới hạn cho huấn luyện viên trưởng, trưởng đoàn và các cầu thủ tham dự[59]) và phải đặt mua thêm nếu muốn số lượng nhiều hơn. Polking sau đó đã thừa nhận việc không được trao huy chương và đã đòi hỏi dù biết quy định của ban tổ chức, cho rằng ông "không còn vấn đề gì nữa"[60].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tranh cãi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 http://baobacgiang.com.vn/bg/the-thao/376630/nhieu... https://www.bbc.com/vietnamese/sport-57429879 https://www.bbc.com/vietnamese/sport-57628553 https://www.bbc.com/vietnamese/sport-61297511 https://www.bbc.com/vietnamese/sport-61396147 https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61161302 https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbi... https://www.indosport.com/raket/20220526/media-chi... https://m.phnompenhpost.com/sport/gold-medal-favou... https://seagames2021.com/an-pham/bieu-tuong-cac-mo...